Nhắc đến Bảo tồn đồng muối truyền thống Sa Huỳnh, chúng ta nhận thấy mối quan hệ liên kết giữa đồng muối với rất nhiều hệ sinh thái khác, dễ thấy nhất chính là đầm nước mặn và biển. Để giải quyết bài toán môi trường cho đồng muối Sa Huỳnh, trong dự án "Bảo tồn đồng muối truyền thống Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi" do UNDP/GEF-SGP tài trợ, Hội nông dân phường Phổ Thạnh chủ trì, chúng tôi đã đưa ra các hoạt động thiết thực như: nâng cao nhận thức người dân địa phương về phân loại rác tại nguồn, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, trồng cây đưng (cây ngập mặn) phục hồi vùng trồng đưng, mang lại giá trị cho môi trường nước và thuỷ sản tại đầm nước mặn.
Từ giờ bức tranh Du lịch học tập cộng đồng gắn với bảo tồn đã trở nên rõ ràng hơn. Thay vì chúng tôi chỉ đưa du khách đến những cảnh đẹp mà chúng tôi đang có thì chúng tôi sẽ kể câu chuyện người dân Sa Huỳnh đang làm gì để giữ gìn cái đẹp đó. Du khách được trải nghiệm, học tập, người địa phương được cổ vũ khích lệ trong hoạt động bảo tồn của mình. Như thế thì ai cũng được lợi kể cả những người dân không trực tiếp tham gia vào du lịch cộng đồng. Và từ đó chúng ta cũng thấy rằng du lịch học tập cộng đồng chính là công cụ hỗ trợ để bảo tồn, cũng chính là mục tiêu và sứ mệnh của Du lịch cộng đồng Sa Huỳnh: hướng đến bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, phát huy truyền thống văn hoá.